Hơn 8h tối, dắt xe ngược lên 5 tầng nhà tập thể cũ kỹ, làm Nam thở ra bằng tai. Đã thế cái bóng im lìm của một gã đội mũ lưỡi trai sùm sụp đứng cạnh cầu thang khiến nó thấy rờn rợn. Nhưng gã kia, chỉ lặng im quan sát nó, thế thôi. Hoặc ít ra là đến khi Nam tống xong con cào cào vào nhà và chuẩn bị khoá cửa.
Tặng An
1. Hơn 8h tối, dắt xe ngược lên 5 tầng nhà tập thể cũ kỹ, làm Nam thở ra bằng tai. Đã thế cái bóng im lìm của một gã đội mũ lưỡi trai sùm sụp đứng cạnh cầu thang khiến nó thấy rờn rợn. Nhưng gã kia, chỉ lặng im quan sát nó, thế thôi. Hoặc ít ra là đến khi Nam tống xong con cào cào vào nhà và chuẩn bị khoá cửa.
- Nam! -Tiếng gọi khẽ làm Nam giật bắn mình. Dưới ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn ngoài hành lang, Nam nhận ra một khuôn mặt quen.
2. - Bỏ nhà à? Mày điên rồi! Nhưng sao lại thế?- Nam hỏi như gắt, không tin nổi những gì thằng bạn đang nói.
- Chả thế nào cả… Bố tao tát tao! Tao đi! - An cũng gắt, nhưng mắt nó tránh ánh mắt của Nam. Đột nhiên An ngập ngừng- Nếu không phiền, cho tao ở lại đây đêm nay nhé? Sẽ chẳng ai ngờ được tao lại ở đây với mày…
Nó và An, đơn giản chỉ là bạn cùng lớp, không quá thân để An có thể tin cậy tìm đến khi cần thiết. Hẳn An cũng biết điều đó nên nãy ở cầu thang mới ngập ngừng như vậy. Trong đầu Nam quay mòng mòng câu hỏi “Có nên đồng ý không???”…
Nếu mày thấy không ổn thì thôi! Tao đi! - An đứng phắt dậy, xách balô lên, phá tan không khí yên tĩnh nãy giờ giữa hai đứa.
Ê! Khoan đã- Nam gọi với theo- Mày có thể ở lại. Nhưng chỉ tối nay thôi và ngày mai đi học bình thường nhé!
Để thằng bạn ở lại là cực chẳng đã, chứ thực tình Nam thấy chuyện An “dạt vòm” kiểu này chẳng hay ho tí nào. Dù bố An có làm vậy chắc cũng chỉ là phút nóng giận nhất thời. Nghĩ theo hướng tích cực một chút thì rốt lại An vẫn hạnh phúc hơn nó, đôi khi Nam thèm được như thế, nhưng chẳng thể. Ba mẹ nó qua đời trong một tai nạn giao thông nhiều năm trước, một mình sống trong căn nhà tập thể 28m2 bằng trợ cấp hàng tháng từ họ hàng hai bên nội ngoại, nhiều khi nó cảm thấy có những khoảng trống trong lòng khó gì bù đắp. Chẳng hiểu từ bao giờ Nam tự tạo cho nó một bề ngoài lặng lẽ, yên ổn nhưng nào ai biết nó cũng có những phút cảm thấy tủi thân mà vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ. Thì người ta chẳng vẫn nói con trai phải cứng rắn đó sao…
3. Lúc Nam đánh thức dậy, An liếc nhìn đồng hồ mới hơn 6h sáng. Mọi khi, cứ toàn 7h kém nó mới chịu bình minh sau khi để đồng hồ báo thức kêu loạn nhà một lúc. Để rồi cuống cuồng vơ sách vở, nhảy lên xe phóng thật lực đến trường.
Nhưng bây giờ, nó đang không ở trong phòng mình, cũng chẳng có lý do gì để nằm rốn thêm tí nữa khi thằng bạn đã dậy từ đời nào, với lại chẳng còn xe máy, không nhanh lên nó đứng ngoài cổng trường là cái chắc.
Bỏ nhà qua đêm, An lờ mờ hiểu mình sắp đối mặt với chuyện gì, ba mẹ hẳn cũng đã thông báo với giáo viên chủ nhiệm, hẳn lý do nó “dạt vòm” sẽ là một hot topic của lớp hôm nay, nghĩ đến đây, nó chợt nhăn mặt. Trong một tích tắc, nó muốn bùng hôm nay luôn, nhưng (mặt nó lại nhăn nhó hơn), nó chợt nghĩ đến cuộc hội thoại ngắn ngủi hôm qua… Đành vậy! Nó không muốn Nam có thể nghĩ nó là thằng không biết giữ lời…
4. Xem ra mọi chuyện An lo lắng lại là thừa. Từ chủ nhiệm đến tụi bạn, tất nhiên trừ Nam, hình như chẳng ai biết chuyện của nó. Tự nhiên nó thấy hẫng thế nào đó. Thế mà nó cứ tưởng ba mẹ sẽ cuống cả lên đi tìm nó chứ… Mà chẳng phải nó đã tuyên bố rồi đó sao: “Con lớn rồi, hãy để con sống theo ý con!”. Suốt buổi học, nó không tài nào tập trung được. Trong chưa đầy 24h, tâm trạng của nó đã trải qua mọi cảm xúc tức giận, mệt mỏi, hụt hẫng và giờ là thất vọng, chưa bao giờ nó thấy mình bế tắc đến vậy. Trở về nhà để xin lỗi ư? Không, nó chưa muốn nghĩ đến điều đó, nó chẳng thấy mình sai gì cả, mà ba mẹ cũng đâu muốn tìm nó. Nhưng không về, thì những ngày tới của nó sẽ sao đây?
5. Việc Nam đồng ý để An tiếp tục ở lại là một bất ngờ với nó. Còn tại sao, thì An chịu, không đoán được. Tất nhiên kèm với đó là những điều kiện bắt buộc phải thực hiện. Ví như không được về muộn sau 9h30 tối, không được bỏ học, hai đứa chia nhau rửa bát, giặt quần áo; 3, 5, 7 - lau nhà; 4, Chủ nhật - cọ nhà vệ sinh… Nếu chỉ vài ngày trước, nghe thấy mấy thứ này, hẳn An đã chối phăng, nhưng giờ thì khác, có những điều nó biết mình phải chấp nhận để hoà nhập. Vả lại, nó có thể lựa chọn được chăng?!
6. Hơn một tháng từ cái tối An xuất hiện trước cửa nhà Nam, khoảng thời gian tưởng như ngắn ngủi nhưng bao nhiêu biến động xảy ra với An có lẽ bằng cả 17 năm nó xuất hiện trên đời gộp lại. Không hiểu vì lẽ gì đến giờ này, chuyện nó “dạt vòm” hầu như chẳng ai biết, ba mẹ cũng không liên lạc gì. Dù ở trên lớp, nó vẫn tỏ ra bình thường nhưng hơn ai hết nó biết mình đang rối trí. Rốt cục, nó có ý nghĩa ra sao với bố mẹ nó? Chỉ vì một lời nói hỗn (giờ thì nó tự nhận như thế), mà bố mẹ nó có thể từ nó sao??? Thêm nữa, nó nhận ra cuộc sống tự lập không hề dễ dàng như nó nghĩ. Có quá nhiều thứ khiến An phải đối mặt mà trước giờ nó chưa hề nghĩ tới: Di động trở thành cục sắt khi tài khoản không còn K nào, những khoản tiền học mà “ngày xưa”, nó chẳng để ý đến con số; hạn nộp…
Thời gian biểu dạo này của nó cũng kín mít luôn, học xong ở trường buổi sáng, lại lao ra cửa hàng game, nơi nó mới xin vào làm để tự trang trải cuộc sống, ở đó tới chiều, tối lại hùng hục đi học thêm. Nhiều tối, lết lên 5 tầng nhà, nó chỉ muốn đổ vật xuống giường, không ăn, không uống, không học hành gì hết. Nhưng cứ nghĩ đến lời tuyên bố đầy tự tin “sẽ sống tốt” trước mặt bố mẹ, cùng với sự im lặng đầy vẻ thách thức từ Nam, tự nhiên nó thấy mình phải cố nữa, thế là lại quay ra học tới đêm…
Dạo này, Nam biết đêm nào An cũng trằn trọc không ngủ được. Chẳng hiểu sao nó thấy An bây giờ sao giống nó thế, nó cũng từng có một thời gian như thế sau khi ba mẹ mất. Nhưng An khác nó chính ở điểm này, An còn gia đình và có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Còn nó… Nó thật không muốn thấy thằng bạn thế này tẹo nào. Làm sao An biết được nó đang để vuột mất những cái người khác muốn mà không có chứ? Nhiều lúc, Nam chỉ muốn tống cổ thằng bạn ra khỏi nhà để nó về với gia đình. Dù Nam biết, để An đi, nó sẽ lại phải đối mặt với cảm giác chán chường, trống trải đối diện với chính mình mỗi khi trở về nhà… Không chịu thừa nhận, nhưng từ khi có An ở chung, Nam thấy vui hơn, mong về nhà hơn. Nó cứ lùng bùng trong mớ suy nghĩ ấy, rốt cục, Nam tự nhủ “Mình sẽ tôn trọng quyết định của An”.
Gần 2 tháng sống bên ngoài, đối mặt với cuộc sống trải qua nhiều cảm xúc, đã làm An khác đi, “lớn” hơn hay không thì không biết nhưng “khác” là điều thấy rõ. Nhiều lúc nghĩ về ba mẹ, một cảm giác buồn, thất vọng nhưng cũng đầy thương nhớ cứ đan xen trong nội tâm nó. Nó nhớ những món ăn mẹ làm, nhớ mùi thơm từ những chiếc sơ mi được là ủi cẩn thận treo trong tủ, nhớ những lần thức đêm xem bóng đá hét lạc cả giọng cùng ba, được ăn mỳ mẹ nấu cho hai ba con… Những lúc như thế, một thằng vô tâm như nó, cũng cứng rắn như nó lại muốn chảy nước mắt. An biết mọi chuyện sẽ trở lại như xưa nếu nó về nhà xin lỗi ba mẹ. Nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn thấy khó khăn thế nào. Thế mới biết, để vượt qua bản thân, vượt qua những suy nghĩ cố chấp, với con người quả là khó khăn…
7. Dạo này, mỗi chiều, khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi từ hàng game về tới trước khi đến lớp học thêm, căn chỉnh đúng giờ ba mẹ đi làm về, nó đều tạt qua nhà. Nhưng cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn, nó thấy mẹ dạo này gầy hơn, ba tóc bạc hơn, điều mà trước kia nó chẳng hề để ý.
Hôm nay, cũng vậy, nó đang thấy mẹ từ từ lái xe về gần tới nhà, bỗng một thằng nhóc bằng tuổi nó phóng qua tạt đầu xe mẹ. Mẹ phản ứng không kịp, chiếc xe loạng choạng rồi đổ ập xuống. Không một giây suy nghĩ, nó cuồng lên chạy lại đỡ mẹ dậy…
8. Buổi tối. Bước vào quán café, Nam nhận ra ngay người đàn ông, dù hai bác cháu trước đây chỉ gặp nhau qua điện thoại.
- Thằng An vừa về xin lỗi hai bác- Người đàn ông nói, giọng không giấu nổi niềm vui- Đúng là hôm đó bác cũng nóng giận quá. Nó cũng 17 rồi còn gì, thế mà trong mắt bác nó vẫn cứ chỉ là đứa trẻ nhỏ... May mà 2 thằng sống với nhau nên bác cũng thấy yên tâm… Nếu tối ấy bác lôi nó về, hẳn là nó vẫn cứ sẽ hậm hực trong lòng. Để nó tự lập như vậy, cả bác và nó đều có thời gian suy nghĩ hơn...
- Lúc đầu cháu cũng tưởng An sống như thế ba bữa là chán, không ngờ nó cũng trụ được lâu thế…
- Là nhờ có con đấy, Nam ạ. Cho phép bác...
Bàn tay nóng ấm của người đàn ông siết nhẹ lấy tay Nam. Nó ngồi đó, ngây người. Những lời của ba An đang nói vẫn vang vang bên tai: “Ba mẹ”; “con”; “hai anh em”... Một cảm giác thân thiết, ấm áp chợt trỗi dậy trong lòng, thứ tình cảm mà Nam tưởng mình đã mất từ lâu. Phải rồi, là “gia đình”! Có ba mẹ, có thêm một thằng anh (hay em nhỉ) thì thành gia đình rồi còn gì…
Tặng An
1. Hơn 8h tối, dắt xe ngược lên 5 tầng nhà tập thể cũ kỹ, làm Nam thở ra bằng tai. Đã thế cái bóng im lìm của một gã đội mũ lưỡi trai sùm sụp đứng cạnh cầu thang khiến nó thấy rờn rợn. Nhưng gã kia, chỉ lặng im quan sát nó, thế thôi. Hoặc ít ra là đến khi Nam tống xong con cào cào vào nhà và chuẩn bị khoá cửa.
- Nam! -Tiếng gọi khẽ làm Nam giật bắn mình. Dưới ánh sáng đỏ quạch của ngọn đèn ngoài hành lang, Nam nhận ra một khuôn mặt quen.
2. - Bỏ nhà à? Mày điên rồi! Nhưng sao lại thế?- Nam hỏi như gắt, không tin nổi những gì thằng bạn đang nói.
- Chả thế nào cả… Bố tao tát tao! Tao đi! - An cũng gắt, nhưng mắt nó tránh ánh mắt của Nam. Đột nhiên An ngập ngừng- Nếu không phiền, cho tao ở lại đây đêm nay nhé? Sẽ chẳng ai ngờ được tao lại ở đây với mày…
Nó và An, đơn giản chỉ là bạn cùng lớp, không quá thân để An có thể tin cậy tìm đến khi cần thiết. Hẳn An cũng biết điều đó nên nãy ở cầu thang mới ngập ngừng như vậy. Trong đầu Nam quay mòng mòng câu hỏi “Có nên đồng ý không???”…
Nếu mày thấy không ổn thì thôi! Tao đi! - An đứng phắt dậy, xách balô lên, phá tan không khí yên tĩnh nãy giờ giữa hai đứa.
Ê! Khoan đã- Nam gọi với theo- Mày có thể ở lại. Nhưng chỉ tối nay thôi và ngày mai đi học bình thường nhé!
Để thằng bạn ở lại là cực chẳng đã, chứ thực tình Nam thấy chuyện An “dạt vòm” kiểu này chẳng hay ho tí nào. Dù bố An có làm vậy chắc cũng chỉ là phút nóng giận nhất thời. Nghĩ theo hướng tích cực một chút thì rốt lại An vẫn hạnh phúc hơn nó, đôi khi Nam thèm được như thế, nhưng chẳng thể. Ba mẹ nó qua đời trong một tai nạn giao thông nhiều năm trước, một mình sống trong căn nhà tập thể 28m2 bằng trợ cấp hàng tháng từ họ hàng hai bên nội ngoại, nhiều khi nó cảm thấy có những khoảng trống trong lòng khó gì bù đắp. Chẳng hiểu từ bao giờ Nam tự tạo cho nó một bề ngoài lặng lẽ, yên ổn nhưng nào ai biết nó cũng có những phút cảm thấy tủi thân mà vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ. Thì người ta chẳng vẫn nói con trai phải cứng rắn đó sao…
3. Lúc Nam đánh thức dậy, An liếc nhìn đồng hồ mới hơn 6h sáng. Mọi khi, cứ toàn 7h kém nó mới chịu bình minh sau khi để đồng hồ báo thức kêu loạn nhà một lúc. Để rồi cuống cuồng vơ sách vở, nhảy lên xe phóng thật lực đến trường.
Nhưng bây giờ, nó đang không ở trong phòng mình, cũng chẳng có lý do gì để nằm rốn thêm tí nữa khi thằng bạn đã dậy từ đời nào, với lại chẳng còn xe máy, không nhanh lên nó đứng ngoài cổng trường là cái chắc.
Bỏ nhà qua đêm, An lờ mờ hiểu mình sắp đối mặt với chuyện gì, ba mẹ hẳn cũng đã thông báo với giáo viên chủ nhiệm, hẳn lý do nó “dạt vòm” sẽ là một hot topic của lớp hôm nay, nghĩ đến đây, nó chợt nhăn mặt. Trong một tích tắc, nó muốn bùng hôm nay luôn, nhưng (mặt nó lại nhăn nhó hơn), nó chợt nghĩ đến cuộc hội thoại ngắn ngủi hôm qua… Đành vậy! Nó không muốn Nam có thể nghĩ nó là thằng không biết giữ lời…
4. Xem ra mọi chuyện An lo lắng lại là thừa. Từ chủ nhiệm đến tụi bạn, tất nhiên trừ Nam, hình như chẳng ai biết chuyện của nó. Tự nhiên nó thấy hẫng thế nào đó. Thế mà nó cứ tưởng ba mẹ sẽ cuống cả lên đi tìm nó chứ… Mà chẳng phải nó đã tuyên bố rồi đó sao: “Con lớn rồi, hãy để con sống theo ý con!”. Suốt buổi học, nó không tài nào tập trung được. Trong chưa đầy 24h, tâm trạng của nó đã trải qua mọi cảm xúc tức giận, mệt mỏi, hụt hẫng và giờ là thất vọng, chưa bao giờ nó thấy mình bế tắc đến vậy. Trở về nhà để xin lỗi ư? Không, nó chưa muốn nghĩ đến điều đó, nó chẳng thấy mình sai gì cả, mà ba mẹ cũng đâu muốn tìm nó. Nhưng không về, thì những ngày tới của nó sẽ sao đây?
5. Việc Nam đồng ý để An tiếp tục ở lại là một bất ngờ với nó. Còn tại sao, thì An chịu, không đoán được. Tất nhiên kèm với đó là những điều kiện bắt buộc phải thực hiện. Ví như không được về muộn sau 9h30 tối, không được bỏ học, hai đứa chia nhau rửa bát, giặt quần áo; 3, 5, 7 - lau nhà; 4, Chủ nhật - cọ nhà vệ sinh… Nếu chỉ vài ngày trước, nghe thấy mấy thứ này, hẳn An đã chối phăng, nhưng giờ thì khác, có những điều nó biết mình phải chấp nhận để hoà nhập. Vả lại, nó có thể lựa chọn được chăng?!
6. Hơn một tháng từ cái tối An xuất hiện trước cửa nhà Nam, khoảng thời gian tưởng như ngắn ngủi nhưng bao nhiêu biến động xảy ra với An có lẽ bằng cả 17 năm nó xuất hiện trên đời gộp lại. Không hiểu vì lẽ gì đến giờ này, chuyện nó “dạt vòm” hầu như chẳng ai biết, ba mẹ cũng không liên lạc gì. Dù ở trên lớp, nó vẫn tỏ ra bình thường nhưng hơn ai hết nó biết mình đang rối trí. Rốt cục, nó có ý nghĩa ra sao với bố mẹ nó? Chỉ vì một lời nói hỗn (giờ thì nó tự nhận như thế), mà bố mẹ nó có thể từ nó sao??? Thêm nữa, nó nhận ra cuộc sống tự lập không hề dễ dàng như nó nghĩ. Có quá nhiều thứ khiến An phải đối mặt mà trước giờ nó chưa hề nghĩ tới: Di động trở thành cục sắt khi tài khoản không còn K nào, những khoản tiền học mà “ngày xưa”, nó chẳng để ý đến con số; hạn nộp…
Thời gian biểu dạo này của nó cũng kín mít luôn, học xong ở trường buổi sáng, lại lao ra cửa hàng game, nơi nó mới xin vào làm để tự trang trải cuộc sống, ở đó tới chiều, tối lại hùng hục đi học thêm. Nhiều tối, lết lên 5 tầng nhà, nó chỉ muốn đổ vật xuống giường, không ăn, không uống, không học hành gì hết. Nhưng cứ nghĩ đến lời tuyên bố đầy tự tin “sẽ sống tốt” trước mặt bố mẹ, cùng với sự im lặng đầy vẻ thách thức từ Nam, tự nhiên nó thấy mình phải cố nữa, thế là lại quay ra học tới đêm…
Dạo này, Nam biết đêm nào An cũng trằn trọc không ngủ được. Chẳng hiểu sao nó thấy An bây giờ sao giống nó thế, nó cũng từng có một thời gian như thế sau khi ba mẹ mất. Nhưng An khác nó chính ở điểm này, An còn gia đình và có thể quay đầu bất kỳ lúc nào. Còn nó… Nó thật không muốn thấy thằng bạn thế này tẹo nào. Làm sao An biết được nó đang để vuột mất những cái người khác muốn mà không có chứ? Nhiều lúc, Nam chỉ muốn tống cổ thằng bạn ra khỏi nhà để nó về với gia đình. Dù Nam biết, để An đi, nó sẽ lại phải đối mặt với cảm giác chán chường, trống trải đối diện với chính mình mỗi khi trở về nhà… Không chịu thừa nhận, nhưng từ khi có An ở chung, Nam thấy vui hơn, mong về nhà hơn. Nó cứ lùng bùng trong mớ suy nghĩ ấy, rốt cục, Nam tự nhủ “Mình sẽ tôn trọng quyết định của An”.
Gần 2 tháng sống bên ngoài, đối mặt với cuộc sống trải qua nhiều cảm xúc, đã làm An khác đi, “lớn” hơn hay không thì không biết nhưng “khác” là điều thấy rõ. Nhiều lúc nghĩ về ba mẹ, một cảm giác buồn, thất vọng nhưng cũng đầy thương nhớ cứ đan xen trong nội tâm nó. Nó nhớ những món ăn mẹ làm, nhớ mùi thơm từ những chiếc sơ mi được là ủi cẩn thận treo trong tủ, nhớ những lần thức đêm xem bóng đá hét lạc cả giọng cùng ba, được ăn mỳ mẹ nấu cho hai ba con… Những lúc như thế, một thằng vô tâm như nó, cũng cứng rắn như nó lại muốn chảy nước mắt. An biết mọi chuyện sẽ trở lại như xưa nếu nó về nhà xin lỗi ba mẹ. Nhưng chẳng hiểu sao nó vẫn thấy khó khăn thế nào. Thế mới biết, để vượt qua bản thân, vượt qua những suy nghĩ cố chấp, với con người quả là khó khăn…
7. Dạo này, mỗi chiều, khoảng thời gian ngắn ngủi sau khi từ hàng game về tới trước khi đến lớp học thêm, căn chỉnh đúng giờ ba mẹ đi làm về, nó đều tạt qua nhà. Nhưng cũng chỉ dám đứng từ xa nhìn, nó thấy mẹ dạo này gầy hơn, ba tóc bạc hơn, điều mà trước kia nó chẳng hề để ý.
Hôm nay, cũng vậy, nó đang thấy mẹ từ từ lái xe về gần tới nhà, bỗng một thằng nhóc bằng tuổi nó phóng qua tạt đầu xe mẹ. Mẹ phản ứng không kịp, chiếc xe loạng choạng rồi đổ ập xuống. Không một giây suy nghĩ, nó cuồng lên chạy lại đỡ mẹ dậy…
8. Buổi tối. Bước vào quán café, Nam nhận ra ngay người đàn ông, dù hai bác cháu trước đây chỉ gặp nhau qua điện thoại.
- Thằng An vừa về xin lỗi hai bác- Người đàn ông nói, giọng không giấu nổi niềm vui- Đúng là hôm đó bác cũng nóng giận quá. Nó cũng 17 rồi còn gì, thế mà trong mắt bác nó vẫn cứ chỉ là đứa trẻ nhỏ... May mà 2 thằng sống với nhau nên bác cũng thấy yên tâm… Nếu tối ấy bác lôi nó về, hẳn là nó vẫn cứ sẽ hậm hực trong lòng. Để nó tự lập như vậy, cả bác và nó đều có thời gian suy nghĩ hơn...
- Lúc đầu cháu cũng tưởng An sống như thế ba bữa là chán, không ngờ nó cũng trụ được lâu thế…
- Là nhờ có con đấy, Nam ạ. Cho phép bác...
Bàn tay nóng ấm của người đàn ông siết nhẹ lấy tay Nam. Nó ngồi đó, ngây người. Những lời của ba An đang nói vẫn vang vang bên tai: “Ba mẹ”; “con”; “hai anh em”... Một cảm giác thân thiết, ấm áp chợt trỗi dậy trong lòng, thứ tình cảm mà Nam tưởng mình đã mất từ lâu. Phải rồi, là “gia đình”! Có ba mẹ, có thêm một thằng anh (hay em nhỉ) thì thành gia đình rồi còn gì…